Gốm men rạn là một trong những dòng men lừng danh của dòng gốm cổ Bát Tràng từ thế kỷ 16. Những thăng trầm, bể dâu của thời cuộc đã cuốn theo những công thức bí truyền của cha ông và khiến men rạn dần mai một.
Mấy chục năm trở lại đây, những người con làng gốm Bát Tràng đã dày công tìm tòi, nghiên cứu để khôi phục lại dòng men rạn bí ẩn này. Trong số những nghệ nhân tâm huyết và tài hoa ấy, có một nghệ nhân trẻ đã thành công và tìm được hướng đi cho riêng mình. Người đó là NNƯT Phạm Đạt với dòng men rạn trên những sản phẩm gốm tâm linh, bộ đồ thờ cúng.
Bước vào gian phòng trưng bày của NNƯT Phạm Đạt nằm ở xóm 5, làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), không ít người phải choáng ngợp trước sự công phu và tráng lệ của các bộ đồ gốm men rạn tinh xảo.
Nổi bật và thu hút du khách thập phương có lẽ là bộ Bảo An được bày ngay chính giữa lối vào
Bộ sưu tập “Bảo An” được sáng tạo dựa trên cảm hứng từ truyền thống của dòng họ, gia tộc có lịch sử hàng nghìn năm tại làng gốm cổ Bát Tràng. Bộ sưu tập gây ấn tượng khi được chế tác với men rạn cổ, hoa văn đắp nổi dát vàng ròng như một bảo vật mang đến sự bình an – may mắn của mỗi thành viên trong gia đình dòng tộc.
Bộ sưu tập tuân thủ nghiêm ngặt thuận theo yếu tố ngũ hành, chuẩn kích thước lỗ ban thuộc của các cung tốt.
Nguyên liệu đất sét được tuyển chọn kỹ lưỡng từ vùng đất linh thiêng – Đất tổ Hùng Vương, đất sét trắng lấy ở Đông Triều – nơi có núi thiêng Yên Tử hòa quyện với nước phù sa sông Hồng phủ lên mình lớp men bí truyền của ông cha từ ngàn năm truyền lại.
Với ý nghĩa đem lại sự hưng khởi – thịnh vượng, bộ sưu tập Hưng Thịnh là tác phẩm sử dụng dòng men rạn cổ được phục chế từ thế kỷ 16.
Cặp Lộc bình men rạn cổ hoa văn đắp nổi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận cao nhất Việt Nam.
Những vết rạn trên gốm Phạm Đạt thực chất không phải thông thường mà chúng xuất hiện theo dạng xoáy vào trong.
Sản phẩm là hàng thủ công nên cần sự tỉ mỉ mới tạo ra giá trị và sự độc đáo. Cầu kỳ, cẩn thận từ khâu chọn và xử lý nguyên liệu đến tạo mẫu, đắp hoa văn nên sản phẩm của cơ sở Phạm Đạt luôn nổi bật với những đường nét sắc sảo.
Vàng được dát trên gốm là vàng 18k.
Vàng vốn rất mỏng nên các nghệ nhân phải kỳ công dát từng chút một. Phải đợi khô sơn lót mới có thể bắt tay vào làm. Tính ra trung bình, một bộ gốm dát vàng cần sử dụng khoảng hơn 3 cây vàng mới hoàn thiện.
Tuỳ vào mặt hàng, hình dáng, kích thước, chất liệu và độ tinh xảo mà gốm men rạn Phạm Đạt có giá thành khác nhau, cao nhất có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Với dòng gốm tâm linh, tức là những bộ thờ cúng, nghệ nhân Phạm Đạt đã đáp ứng được nhu cầu của những người yêu văn hóa truyền thống: cầu kỳ, khắt khe nhưng rất đỗi trân trọng. Bởi sưu tập gốm cổ tâm linh và lựa chọn cho gia đình những bộ đồ thờ cúng, đặt ở những nơi trang trọng nhất từ ngàn xưa đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt.
Những sản phẩm của cơ sở Phạm Đạt có chỗ đứng trên thị trường và có vị trí riêng trong làng nghề Bát tràng bởi nét hoa văn nổi bật, sắc sảo, màu sắc hài hòa, hình dáng mỹ thuật, đẹp cả về chất đất và màu men. Các đường rạn đều, vừa có độ trong, độ sâu mà lại có cả độ bóng.